01.11.2020 - 22:47
Ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Cam Lộ… chủ yếu làm nông nghiệp. Trận lũ vừa qua ra nước dâng nhanh khiến mọi người không kịp trở tay để cứu thóc.
Nhiều gia đình bị thiệt hại từ 1 đến 2 tấn. Nặng hơn là các tiểu thương thu mua có người bị ngập hàng chục tấn.
Múc nước lũ đãi thóc bị lấm bùn, bà Trần Thị Hà (xã Triệu Độ) nói, gia đình thu mua gần 25 tấn thóc. Đợt lũ cách đây 4 ngày, bà Hà chỉ kịp di chuyển khoảng 5 tấn đến nhà người thân gửi, gần 20 tấn bị ngập.
Những bao thóc lấm bùn, bốc mùi hôi chua được người dân đưa đến Trung tâm giống cây trồng tỉnh Quảng Trị sấy |
“Bây giờ tôi phải thuê xe đưa thóc lên Trung tâm giống cây trồng tỉnh Quảng Trị để sấy. Giờ có cứu được thóc cũng chỉ biết đem bán giá rẻ cho người nuôi gà vịt”, bà Hà thở dài.
Không chỉ bà Hà, rất nhiều tiểu thương rơi vào cảnh trắng tay. Ngồi bên đống thóc bị ngâm nước, bốc mùi chua ẩm đang mọc mầm, chị Hồ Thị Ngọc Vân (xã Hải Trường, huyện Hải Lăng) chua xót kể chị thu mua thóc của bà con về xay rồi cung cấp gạo cho nhiều địa bàn. Đợt lũ này nước ngập nhà kho ngâm hơn 80 tấn thóc.
“Mỗi tấn thóc khoảng 8 triệu đồng. Giờ nước ngâm lâu ngày hư hết nhưng chẳng lẽ vứt đi thì có tội nên tôi chở đến nhà máy thuê người ta sấy. Chi phí công vận chuyển, nhân công và tiền sấy mỗi tấn hết khoảng 1 triệu đồng.
Nhưng sấy rồi chỉ biết bán cho người chăn nuôi gia cầm, chứ người ăn sao được nữa. Mà cũng lo bán không ai mua. Năm nay xem như tui trắng tay rồi”, chị Vân nói trong nước mắt.
Nước ngâm quá lâu khiến thóc mọc mầm |
Tại các nhà sấy ở trung tâm giống cây trồng tỉnh Quảng Trị, thóc lấm bùn non chất kín, bốc mùi hôi chua vì ngâm lâu ngày trong nước.
Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Xuân Tuyên (Giám đốc Trung tâm giống cây trồng tỉnh Quảng Trị) cho biết đơn vị đã tổ chức sấy thóc hơn 10 ngày qua, trung bình mỗi ngày sấy được 100 tấn. Hiện nay thóc ở các địa phương liên tục chuyển về trung tâm khiến nhà kho không còn chỗ chứa.
“Trong các huyện thì Hải Lăng thiệt hại nặng nhất, giờ đã thóc đã hôi chua, mọc mầm dài. Nhằm hỗ trợ tối đa cho bà con, hiện nay trung tâm thu 400.000 đồng/tấn để bù vào kinh phí mua than về sấy, còn công anh em vận hành và các vấn đề khác thì hỗ trợ hoàn toàn.
thóc bị ngâm nước lâu giờ thời gian sấy cũng tăng lên rất lâu, lượng than để sấy thóc gần hết. Chúng tôi vừa đặt than ở Quảng Ninh, hy vọng chiều mai sẽ có để tiếp tục hỗ trợ một phần khó khăn cho bà con thời điểm này”, ông Tuyên chia sẻ.
Người dân ở huyện Triệu Phong hong thóc ở nền nhà sau thời gian bị ngâm nước |
Trận lũ lịch sử khiến nông dân trồng thóc Quảng Trị rơi vào cảnh lao đao |
Bà Trần Thị Hà lấy nước lũ đãi bùn bám trên thóc. Gia đình bà ngập gần 20 tấn |
Thóc lấm bùn, lên mốc chất thành "núi" chờ sấy ở Trung tâm giống cây trồng tỉnh Quảng Trị |
Nam công nhân bốc vác thóc lấm lem bùn |
Xe tải chở thóc bị ngập trong nước lũ nối đuôi nhau chuyển thóc vào trung tâm để sấy |